Trung Quốc đang đầu tư mạnh mẽ cho các công nghệ mới từ AI, 5G cho đến điện toán lượng tử, năng lượng xanh.
Trung Quốc đang trở thành một trong những quốc gia tiên phong về đổi mới sáng tạo. Với hàng loạt dấu ấn, nước này đang cho thấy tham vọng và tầm ảnh hưởng của mình đến ngành công nghệ toàn cầu.
AI và robot
Trong thập kỷ qua, Trung Quốc xây dựng một nền tảng vững chắc về AI. Theo bảng xếp hạng chỉ số AI của Đại học Stanford, Trung Quốc nằm trong ba quốc gia dẫn đầu thế giới về tốc độ phát triển trí tuệ nhân tạo. Riêng trong lĩnh vực nghiên cứu, một phần ba các bài báo khoa học và trích dẫn quốc tế trong năm 2021 là của học giả Trung Quốc. Về đầu tư kinh tế, năm ngoái, các công ty tư nhân nước này rót 17 tỷ USD vào AI, chiếm gần 1/5 nguồn vốn đầu tư tư nhân toàn cầu trong lĩnh vực này.
Theo Nature, không chỉ tăng cường đầu tư công nghệ, Trung Quốc cũng đặc biệt lưu ý việc đào tạo, giữ chân nhân tài AI và đang có nhiều lợi thế cạnh tranh so với các quốc gia phương Tây. Chính phủ Trung Quốc nỗ lực theo đuổi mục tiêu đến năm 2030 sẽ đứng đầu về AI toàn cầu. Những lĩnh vực được kỳ vọng sẽ thay đổi mạnh mẽ nhờ AI là giao thông vận tải, thiết kế chip, y tế và công nghiệp phần mềm.
Trong khi đó, 5 năm qua, ngành robot Trung Quốc cũng thực sự trỗi dậy. Năm 2021, nước này tiến một bước quan trọng khi đưa công nghiệp robot trở thành ưu tiên chiến lược quốc gia trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 14. Tại Thế vận hội mùa đông 2022, Trung Quốc khiến thế giới bất ngờ khi robot xuất hiện khắp nơi từ sân bay, trạm thu phí đến hành lang khách sạn và cả trong nhà bếp… Trong khi đó, lĩnh vực sản xuất xe điện thông minh (IEV) cũng đang phát triển vượt bậc.
Với sự hỗ trợ của chính phủ, ngành công nghiệp robot đã hiện diện trong mọi mặt của đời sống và tạo nên một hệ thống chuỗi cung ứng phong phú. Nhiều loại robot có thể được thiết kế và sản xuất trong thời gian quay vòng ngắn với chi phí phải chăng khiến nơi đây được ví như quốc gia robot.
5G
Theo Xinhua, ba năm sau khi chính thức thương mại hóa, Trung Quốc trở thành quốc gia hậu thuẫn và thúc đẩy công nghệ 5G số một thế giới. Nước này đã xây dựng 1,85 triệu trạm thu phát 5G, hỗ trợ 450 triệu người dùng, chiếm 60% số người sử dụng 5G toàn cầu. Trung Quốc cũng sở hữu hơn 20.000 sáng chế trong ứng dụng 5G.
Báo cáo Phát triển Internet Trung Quốc năm 2021 cho thấy nền kinh tế số của nước này đạt mức 6.000 tỷ USD năm 2020, chiếm 38,6% GDP cả nước. “Các con số đó cho thấy vai trò của công nghệ 5G trong phát triển bền vững và tăng trưởng kinh tế”, Zhu Juwang, quan chức Vụ Liên Hiệp Quốc về vấn đề Kinh tế và Xã hội, nhận xét.
Ngày 25/10, tại Diễn đàn Băng thông rộng di động toàn cầu MBBF 2022 ở Thái Lan, Lara Dewar, Giám đốc tiếp thị GSMA, dự đoán đến 2025, Trung Quốc sẽ cán mốc 900 triệu kết nối 5G.
Điện toán lượng tử
Theo WSJ, Trung Quốc đang thách thức vị thế của Mỹ trong cuộc đua máy tính lượng tử. Cuối tháng 8, Baidu, công ty tiên phong về Internet của Trung Quốc, tuyên bố chế tạo thành công máy tính lượng tử có thể truy cập từ xa bằng PC và smartphone. Máy chỉ có 10 qubit (đơn vị của thông tin lượng tử), con số khiêm tốn so với những hệ thống tiên tiến, nhưng được đánh giá là bước đi tiên phong trong việc đưa công nghệ tương lai ra khỏi phòng thí nghiệm.
Trước đó vào tháng 10/2021, các nhà khoa học Trung Quốc đã công bố hệ thống máy tính lượng tử Zuchongzhi 2 với sức mạnh 66 qubit, gấp 10 triệu lần siêu máy tính nhanh nhất thế giới và vượt máy tính Sycamore 55 qubit của Google, ra đời trước đó hai năm.
Tiếp đó đến tháng 4 năm nay, nhóm chuyên gia tại Đại học Thanh Hoa và Viện Khoa học Thông tin Lượng tử Bắc Kinh lập kỷ lục về khoảng cách truyền tin trực tiếp an toàn lượng tử (QSDC) dài nhất thế giới – 100 km. “QSDC đã thu hút nhiều sự chú ý và trở thành một trong những ứng viên nặng ký cho việc liên lạc an toàn trong tương lai. Công nghệ này có tiềm năng lớn cho liên lạc không dây 6G”, nhóm nhận định.
Trung Quốc đang thúc đẩy các ứng dụng công nghiệp của công nghệ lượng tử. Theo giới phân tích, dù đi sau, họ lại có cách tiếp cận hiệu quả và ngày càng có nhiều dự án nghiên cứu và đột phá mới đến từ nước này.
Siêu máy tính
Song song với công nghệ lượng tử, Trung Quốc đang chạy đua trong việc xây dựng siêu máy tính. Hệ thống mạnh nhất của nước này là Sunway TaihuLight, đặt tại Trung tâm Siêu máy tính Quốc gia ở thành phố Vô Tích, với sức mạnh tính toán 93 petaflop, nằm trong top 6 thế giới.
Hồi tháng 6, các nhà nghiên cứu Trung Quốc tuyên bố đang phát triển cỗ máy Sunway thế hệ tiếp theo với sức mạnh ngang Frontier (Mỹ), siêu máy tính mạnh nhất thế giới hiện nay. Hệ thống được dùng để đào tạo một mô hình AI được gọi là bagualu, phức tạp như bộ não của con người. Các ứng dụng tiềm năng của nó có thể kể đến các phương tiện tự hành, nhận dạng khuôn mặt, xử lý ngôn ngữ tự nhiên, khoa học đời sống và hóa học.
Các chuyên gia dự đoán, siêu máy tính Trung Quốc không chỉ ở trong phòng kính mà còn có thể sớm xuất hiện trong các doanh nghiệp tư nhân.
Năng lượng xanh
Trung Quốc là nhà đầu tư hàng đầu thế giới vào năng lượng tái tạo và coi đây là trọng tâm trong mục tiêu trung hòa carbon năm 2060. Chính phủ nước này cam kết 698 tỷ USD cho các hoạt động tái tạo năng lượng từ 2010 đến 2019. Đến nay, Trung Quốc vẫn nằm trong top đầu thế giới về quy mô các trang trại điện năng lượng mặt trời. Nổi bật là Sungrow Power Supply ở An Huy, hoạt động từ tháng 6/2017, đủ cung cấp điện cho 15.000 hộ dân.
Đến năm 2030, Trung Quốc đặt kế hoạch có đủ công suất năng lượng mặt trời và gió để tạo ra 1.200 gigawatt, cao hơn tổng công suất điện tái tạo của châu Âu hiện nay.
Không dừng ở đó, chính phủ nước này cũng xây dựng nhà máy biến chất thải thành năng lượng lớn nhất thế giới ở Thâm Quyến. Nhà máy đi vào hoạt động từ năm 2020, xử lý một phần ba lượng rác thải hàng ngày của Thâm Quyến và cung cấp năng lượng cho hơn 100.000 ngôi nhà.